Ngay sau khi hội chợ kết thúc, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Ronand Esroppey – Giám đốc kỹ thuật Công ty ESS Việt Nam về tính ưu việt của sản phẩm tiết kiệm điện này.
Ông Ronand Esroppey cho biết, Công ty ESS Việt Nam là DN được thành lập năm 2013 với sự hợp tác của các kỹ sư nước ngoài giàu kinh nghiệm trên 20 năm làm việc trong lĩnh vực quản lý năng lượng, tích trữ năng lượng tại châu Âu, những chuyên gia cũng đã từng tham gia các dự án tư vấn và cung cấp bể trữ lạnh cho các công trình tại Việt Nam.
Lý do nào ESS thành lập công ty và phát triển thương hiệu tại Việt Nam, thưa ông?
– Sản phẩm tích trữ lạnh đã được sử dụng ở châu Âu từ rất lâu, nhưng tại Việt Nam thời gian gần đây mới xuất hiện. Tuy nhiên, hiện tại, trên thị trường Việt Nam, sản phẩm này hầu hết phải nhập khẩu nguyên chiếc và qua các đại lý cung cấp với giá thành rất cao. ESS thành lập với mục đích có thể sản xuất và lắp dựng bể trữ lạnh trực tiếp tại Việt Nam với hiệu suất làm việc tối ưu, phù hợp với nhu cầu sử dụng cũng như thời tiết khác nhau tại các vùng, miền. Do hầu hết các chi tiết phụ tùng sản xuất tại Việt Nam, chỉ có thiết bị trao đổi nhiệt nhập khẩu châu Âu, nên so với các sản phẩm bể trữ lạnh khác giá thành sản phẩm của Công ty rất cạnh tranh, thời gian thu hồi vốn ngắn (từ 2 – 4 năm) và đặc biệt mang lại nhiều lợi ích cho DN.
Sản phẩm bể trữ lạnh có những tính năng gì, thưa ông?
Sản phẩm bể trữ lạnh cho hệ thống trung tâm và dây chuyền làm lạnh được cấu tạo bằng thép hoặc bê tông có thể tiết kiệm 10 – 30% chi phí vận hành. Cấu tạo gồm lớp cách nhiệt, ống chính, lớp cách nhiệt, màng chống thấm, dàn trao đổi nhiệt, bề bằng thép (bê tông).
– Bể trữ lạnh là một phương pháp kinh tế đáng chú ý. Trong nhiều trường hợp, thay vì phải mua thêm thiết bị để tăng tải lạnh vừa tốn chi phí vừa bất tiện cho hệ thống làm mát được sử dụng nhiều trong công nghiệp, siêu thị, nhà hàng và tiến tới là các chung cư lớn… Chức năng của bể tích trữ lạnh dạng băng giúp lưu trữ công suất làm mát cho điều hòa không khí của những hệ thống làm lạnh trung tâm phục vụ cho những tòa nhà lớn sử dụng những chiller (máy phát sinh ra nguồn lạnh) chạy bằng điện. Việc làm lạnh này sẽ thực hiện vào ban đêm khi chi phí tiền điện tối ưu nhất. Đây cũng là khoảng thời gian sử dụng điện ít nhất trong ngày do đó có một dòng điện ổn định và hiệu quả hơn. Trong khi ban ngày dòng điện thường không ổn định và giá thành cao, chiller sẽ ngừng hoạt động, chuyển sang sử dụng bể trữ lạnh để cung cấp công suất cho hệ thống điều hòa không khí trung tâm.
Như đã biết, chi phí cho một kWh điện phụ thuộc vào thời gian sử dụng trong ngày, tùy vào đó là giờ cao điểm hay thấp điểm mà giá người sử dụng phải trả cho một kWh điện tiêu thụ cao hay thấp. Do đó, việc sử dụng bồn trữ lạnh để chuyển một phần hay hoàn toàn năng suất làm lạnh của Chiller vào giờ thấp điểm sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí tiền điện cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, sử dụng bồn trữ lạnh thì chất tải lạnh có nhiệt độ thấp hơn khoảng 380F (3,30C) hay nhỏ hơn nữa thay vì với chế độ bình thường thì nhiệt độ của nó vào khoảng 44 hoặc 450F (6,6 hoặc 7,20C). Điều này cho phép AHU (thiết bị trao đổi nhiệt trong công nghiệp) và đường ống giảm được kích thước, vì thế điện năng tiêu thụ cho quạt AHU cũng giảm theo. Kết quả là không khí lạnh hơn được cung cấp và độ ẩm giảm đi. Độ ẩm giảm nên cảm biến nhiệt có thể cài đặt hơi cao hơn so với mức cài đặt thông thường. Vì thế giảm được tải lạnh. Tóm lại, kết quả cuối cùng là giảm được chi phí lắp đặt và chi phí vận hành.
Cụ thể sản phẩm này sẽ giúp DN được gì?
– Như tôi đã nói, sản phẩm này sẽ giúp DN tiết kiệm được chi phí tiền điện; hoặc giảm kích thước máy phát sinh ra nguồn lạnh (chiller). Sử dụng bể trữ lạnh có thể làm tăng công suất, giảm chi phí làm lạnh. Chẳng hạn, Trung tâm triển lãm Munich (Đức) với diện tích 180.000m2 đã lắp đặt bể lạnh với công suất tích trữ là 150MWh, cung cấp 30 MW công suất lạnh. Bể lạnh sẽ nạp (làm băng) vào ban đêm, và sẽ cung cấp công suất lạnh cho cả ngày mà máy phát sinh ra nguồn lạnh (chiller) không cần hoạt động. Hay ở Paris, TP này đã cho xây dựng một mạng lưới khoảng 5,6 trung tâm làm lạnh chung cung cấp công suất lạnh cho các tòa nhà lớn. Các trung tâm này có hệ thống chiller và hệ thống bể trữ lạnh hoạt động song song, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho máy phát làm lạnh chiller tối ưu hóa việc vận hành tùy thuộc vào nhu cầu làm lạnh của từng tòa nhà và từng thời điểm…
Công nhân đang thi công bể khách sạn Imperial Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Bình
Ông có dự định gì để nhân rộng mô hình này trong thời gian tới?
– Chúng tôi mong muốn tiếp cận với các đơn vị tư vấn về năng lượng, các chủ đầu tư bất động sản, đơn vị tư vấn và nhà thầu về xây dựng, đặc biệt là các cơ quan chức năng quản lý việc sử dụng năng lượng hiệu quả để phổ biến về sản phẩm và công dụng của nó. Đồng thời, Công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu sản phẩm để có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu và các loại hình sử dụng bể trữ lạnh với mục đích mang lại hiệu quả về kinh tế và sử dụng năng lượng.
Lần đầu tham gia Entech Hanoi 2015 và sản phẩm của ESS đã nhận được ngay giải Nhất, ông có cảm tưởng gì?
Từ khi thành lập, ESS đã thực hiện 12 dự án thuộc hệ thống của BigC như Long Biên, Cần Thơ, Việt Trì, Nha Trang, Nam Định, Vĩnh Phúc… và khách sạn Imperial Vũng Tàu.
– Tôi nghĩ Triễn lãm Entech Hanoi 2015 đã tổ chức rất thành công, vì qua đây các sản phẩm mang lại nhiều lợi ích trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả đã được giới thiệu tới thị trường Việt Nam. Đoạt được giải Nhất, chúng tôi rất vui, qua đó cũng mong muốn rằng với những tính năng ưu việt của sản phẩm bể trữ lạnh này, sẽ được nhiều cơ quan, tổ chức biết đến và sản phẩm được sử dụng rộng rãi nhằm cải thiện và giúp quản lý chi phí năng lượng một cách hiệu quả cho sự phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!
nguồn: https://www.baomoi.com/lua-chon-toi-uu-de-tiet-kiem-dien/c/16710223.epi